09/04/2024
VỀ NGUỒN - Dâng hương Quốc tổ Lạc Long Quân và các vua Hùng
Núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả, núi Hùng, núi Hy Cương) có cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ; nơi đây, hội tụ khí thiêng của trời đất, tương truyền các Vua Hùng đã chọn nơi đây để đóng đô. Ngày nay trên núi Nghĩa Lĩnh vẫn còn các ngôi đền thờ vua Hùng.
Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, phía bên phải điện Kính Thiên đền Thượng có cột đá thề. Khi vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho Thục Phán An Dương Vương – đánh dấu sự chuyển giao từ Nhà nước Văn Lang sang Nhà nước Âu Lạc của lịch sử Việt Nam – truyền thuyết kể rằng, vua An Dương Vương dựng cặp cột đá thề trên Núi Nghĩa Lĩnh tượng trưng cho lời thề của ông: “Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét chẳng sai, nước Nam trường tồn lưu ở miếu vũ Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước nhạt thề thì sẽ bị trăng gió búa rìu vùi dập làm cho cô độc”. Trong thế kỷ trước, đoàn khảo cổ đã khai quật được di tích đền Hùng, nhưng chỉ phát hiện được một cột đá thề, và cột đá thề hiện tại là cột đá mã não nguyên khối được tôn tạo vào năm 2011.
Hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báo của vùng Đất Tổ, gắn liền với việc thờ cúng vua Hùng, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. Sáng ngày 11/4/2024 đoàn Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh được tận mắt chiêm ngưỡng di sản văn hóa Hát xoan Phú Thọ được diễn ra tại làng cổ Hùng Lô.
Sau gần 2 ngày viếng thăm các khu di tích thuộc tỉnh Phú Thọ, đoàn Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh di chuyển về Suối Khoáng Nóng Thanh Thủy Phú Thọ nhằm tận hưởng dòng suối khoáng nóng độc đáo để phục hồi sức khỏe và nghỉ dưỡng.
Dù rất bận rộn với chuyến đi về nguồn, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của toàn bộ tập thể giảng viên – cán bộ công nhân viên của Trường.
Trước khi trở lại Sài Gòn, trên đường đi từ tỉnh Phú Thọ ra sân bay Nội Bài, đoàn Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh đã không bỏ qua cơ hội vàng viếng thăm đền Lăng Sương và khu di tích K9 Đá Chông.
Động Lăng Sương là nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên Sơn – ông là con rể vua Hùng thứ 18, đứng đầu trong “Tứ bất tử” trời Nam trong tín ngưỡng cổ truyền của người Việt – Di tích Đền Lăng Sương được khởi dựng từ thời Thục Phán An Dương Vương trên vùng đất thuộc huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, xứ Sơn Tây, đạo Hưng Hóa (nay là xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và được tu sửa từ thời Tiền Lê (981-1009) cho đến nay
Sau khi đến thăm Đền Lăng Sương, đoàn chúng tôi tiếp tục viếng thăm khu di tích K9 Đá Chông tại Ba Vì, Hà Nội; nơi đây đã ghi nhiều dấu ấn di tích lịch sử gắn liền với lúc sinh thời cũng như lúc mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác đã sống và làm việc nơi đây; khi mất, sau 5 lần di chuyển, thi hài Bác đã được gìn giữ ở đây 6 năm (1969 – 1975)
Nhà tưởng niệm Bác trong khu di tích K9 Đá Chông được thiết kế theo phong cách kiến trúc Bắc Bộ, các cột được làm bằng gỗ Lim, những viên đá tạo thành lá cờ đỏ sau bức tượng Bác được lấy từ đá đỏ tự nhiên ở Bá Thước - Thanh Hóa, hình ảnh búa liềm và ngôi sao vàng được lấy từ đá vàng tự nhiên ở Nghệ An
Những hình ảnh quá khứ - phục vụ cho công tác bảo vệ gìn giữ thi hài Bác – đã hiện ra trước mắt, đó chính là 5 chiếc xe do nước bạn – Liên Xô – đã thiết kế dành để di chuyển thi hài Bác 5 lần, trong đó có 3 xe đã sử dụng và 2 xe chưa được sử dụng, đặc biệt có 1 xe có thể chạy trên bộ nhưng cũng có thể chạy dưới nước để di chuyển thi hài Bác dễ dàng nhằm tránh sự phá hoại của kẻ thù trong chiến tranh.
TS. Trần Thị Diện, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng – Kế toán
#DHV #FBA #DaiHocHungVuongTPHCM #university
-------------
KHOA TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG - KẾ TOÁN (FBA)
🏠 28-30 Ngô Quyền, Phường 6, Quận 5, TP.HCM
🌏 http://dhv.edu.vn
☎️ 0287 1001 888 (206)
💌 fba@dhv.edu.vn